XUẤT KHẨU RAU QUẢ ‘VÀO ĐÀ’ TĂNG TRƯỞNG MẠNH SAU KỶ LỤC CỦA 2023

(KTSG Online) – Sau kỷ lục xuất khẩu được thiết lập năm ngoái, mặt hàng rau quả tiếp tục giữ phong độ với mức tăng trưởng gần 90% của tháng đầu tiên năm 2024. Sự khởi đầu lạc quan này, ngành nông nghiệp cũng kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ mang về hàng tỉ đô la ngoại tệ trong năm nay. Thậm chí, nếu duy trì đà tăng trưởng này thì rau quả được dự báo có thể vươn lên vượt xuất khẩu các ngành có kim ngạch lớn khác trong vài năm tới.

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng xe container vẫn ùn ùn chở nông sản chạy lên cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai để xuất sang Trung Quốc. Trong đó, xe chở mặt hàng rau quả được ghi nhận tăng mạnh.

Thống kê của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho thấy chỉ riêng ngày 30-1 vừa qua có 1.400 xe hàng hóa đi qua trên địa bàn tỉnh, trong đó phương tiện chở rau quả xuất khẩu lên đến 305 xe. Các doanh nghiệp rau quả và nông sản Việt tăng lượng xe xuất khẩu trong những ngày này nhằm phục vụ Tết Nguyên đán ở thị trường hơn 1,4 tỉ dân này.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), do xung đột Biển Đỏ nên hàng hóa từ châu Âu, châu Mỹ về Trung Quốc bị trễ và tăng chi phí. Do đó, Trung Quốc có thể thiếu rau quả trong dịp Tết Nguyên đán này. Đây là cơ hội để Việt Nam gia tăng thêm lượng và giá trị xuất khẩu rau quả.

Năm 2023, Trung Quốc chiếm 65% thị phần rau quả của Việt Nam. Với vị trí địa lý gần, nên vùng trồng rau quả Việt Nam rất tiềm năng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về cơ cấu mặt hàng, sầu riêng Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tạo đột phá xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới. Trong tháng 1-2024 đã có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng cao khiến cho giá thu mua trong nước cũng đang bị đẩy lên. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này, mua tại vườn hiện lập đỉnh mới với 180.000 – 200.000 đồng/kg.

Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao là nhờ một số nghị định thư đã ký với nước này trong năm 2022, đặc biệt là nghị định thư xuất khẩu sầu riêng.

Thái Lan từng là nhà cung cấp 100% sầu riêng nhập khẩu cho thị trường Trung Quốc. Nhưng từ năm 2022, khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu sầu riêng Việt Nam thì thị phần sầu riêng Thái Lan ở thị trường này đã giảm xuống 95%. Đến năm 2023, sầu riêng Việt Nam từ chỗ chỉ chiếm 5% (năm 2022) thị phần ở thị trường Trung Quốc đã tăng lên 30% (năm 2023).

Ở thời điểm Việt Nam và Trung Quốc ký nghị định thư xuất nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì dự báo giá trị của trái cây này chỉ đạt hơn 1 tỉ đô la. Tuy nhiên kết thúc năm 2023 tổng giá trị của mặt hàng này đã đạt gần gấp đôi. Dự báo trong năm 2024, nếu Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh thì giá trị xuất khẩu của sầu riêng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi ở Việt Nam được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.